03/06/2020

03/06/2020

Hà Nội: Thanh tra Thành phố “nhẹ tay” đối với việc phá hủy công viên nước Thanh Hà

(PLVN) – Mặc dù trong kết luận thanh tra, Thanh tra TP Hà Nội đã đề nghị UBND Thành phố xem xét trách nhiệm của lãnh đạo UBND quận Hà Đông. Song, trong nội dung kết luận thanh tra, việc áp dụng pháp luật đã bị “bẻ ghi” khiến cho trách nhiệm của lãnh đạo quận Hà Đông vốn “nặng như chì” bỗng nhẹ như bấc.

Nhiều cán bộ bị quy trách nhiệm

Như Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh về việc UBND quận Hà Đông cưỡng chế thực hiện quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc tháo dỡ công viên nước Thanh Hà xây dựng trái phép nhưng đã trở thành một vụ phá dỡ, gây thiệt hại hơn 100 tỷ đồng của doanh nghiệp. Mặc dù việc xây dựng là không phép nhưng tài sản của chủ thể vi phạm hành chính vẫn phải được bảo vệ khi thực hiện cưỡng chế, song UBND quận Hà Đông đã thực hiện phá dỡ quy mô lớn khiến cho toàn bộ tài sản đầu tư tại đây trở thành đống phế liệu.

=> Tổng quan khu đô thị thanh hà

Trước sự việc này, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Thanh tra TP vào cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật liên quan đến việc để xảy ra xây dựng công viên nước không phép và việc cưỡng chế thực hiện tháo dỡ công trình vi phạm. Việc thanh tra dự kiến thực hiện trong khoảng 1 tháng nhưng đã kéo dài gần 3 tháng mới có kết luận thanh tra.

Trong kết luận thanh tra, TP TP Hà Nội nhận xét đầy đủ về lỗi của các bên, trong đó có lỗi của chủ đầu tư khi xây dựng công viên nước Thanh Hà mà không có giấy phép xây dựng; lỗi của công chức và chính quyền quận Hà Đông trong việc để xảy ra xây dựng không phép một công viên nước khá lớn trên địa bàn quận.

Đối với việc thực hiện phá dỡ công viên nước Thanh Hà, Thanh tra TP đã có nhận định về việc này, nhưng theo hướng làm giảm nhẹ trách nhiệm của UBND quận Hà Đông.

Cụ thể, Thanh tra TP nhận định, ngày 27/11/2019, UBND quận Hà Đông có quyết định số 4725 về việc yêu cầu chủ đầu tư tháo dỡ công trình vi phạm trong thời hạn 15 ngày. Sau 15 ngày, chủ đầu tư chỉ tháo dỡ được 4 hạng mục nên UBND quận đã ban hành quyết định 5079 về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là đúng quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Để triển khai phương án cưỡng chế, UBND quận đã thuê đơn vị tư vấn lập phương án phá dỡ và giao cho Phòng kinh tế đô thị phê duyệt, là đúng quy định tại điều 118 của Luật Xây dựng năm 2014.

Quá trình cưỡng chế có sự chứng kiến của 4 tổ trưởng tổ dân phố phường Phú Lương. Tuy nhiên, quá trình cưỡng chế phá dỡ công viên nước Thanh Hà còn nhiều tồn tại.

Cụ thể, công viên nước Thanh Hà có 19 hạng mục xây dựng, trị giá 142 tỷ đồng, trong đó có 7 hạng mục kết cấu khung thép, nhựa composite lắp ghép có thể tháo dỡ được nhưng UBND quận chỉ đạo lập phương án phá dỡ là thiếu thận trọng dẫn đến khi UBND phường Phú Lương cưỡng chế đã phá dỡ cả 7 hạng mục này, gây bức xúc trong dư luận.

Bên cạnh đó, trước khi cưỡng chế 1 ngày, chủ đầu tư đã có văn bản đề nghị tự nguyện thực hiện nhưng UBND phường đã không ghi nhận sự tự nguyện này và không báo cáo UBND quận là vi phạm quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm, Thanh tra TP xác định trách nhiệm thuộc về ông Nguyễn Viết Cường, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lương; ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND phường, ông Đào Vinh Hiển, Trưởng phòng Quản lý đô thị; ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND quận và ông Vũ Ngọc Phụng, Chủ tịch UBND quận là người đứng đầu UBND quận để xảy ra tồn tại trong việc cưỡng chế phá dỡ công viên nước.

“Đúng người nhưng chưa đúng luật”

Việc Thanh tra TP xác định trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo UBND phường Phú Lương và UBND quận Hà Đông là đúng đối tượng phải chịu trách nhiệm để xảy ra đống đổ nát tại công viên nước Thanh Hà như hiện nay. Song, cách quy kết trách nhiệm này chưa thuyết phục, có phần che chắn, bảo vệ cán bộ này trước những hậu quả cực kỳ lớn của vụ phá dỡ quy mô lớn này.

 

Quyết định của UBND quận Hà Đông căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính và nêu rõ là “tháo dỡ”

Cụ thể, trong nhận định của Thanh tra TP, cơ quan này cho rằng, việc lập phương án phá dỡ là đúng quy định của Luật Xây dựng nhưng việc thực hiện thiếu thận trọng dẫn đến bức xúc dư luận. Điều này gián tiếp khẳng định việc đập phá công viên nước là đúng pháp luật, chỉ có  lỗi thiếu thận trọng mà thôi.

Trong khi, việc phá dỡ này thực tế là không đúng pháp luật, nếu căn cứ chính quyết định do UBND quận Hà Đông ban hành và quy định tại Điều 118, Luật Xây dựng năm 2014 mà Thanh tra TP Hà Nội viện dẫn.

Cụ thể, trong quyết định số 5079 ngày 24/12/2019 của UBND quận Hà Đông về việc cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, UBND quận Hà Đông đã căn cứ vào Luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định của chính phủ về xử lý vi phạm hành chính. Quyết định nêu rõ việc cưỡng chế “tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng không phép”. 

Tuy nhiên, khi thực hiện thì chính quyền quận Hà Đông lại “phá dỡ” công viên nước Thanh Hà. Nhìn vào đây là thấy việc cưỡng chế phá dỡ công viên nước là làm trái quyết định của UBND quận khá rõ ràng, nên dù có bao biện như thế nào cũng khó.

Điều đáng nói nhất là việc Thanh tra TP viện dẫn Điều 118, Luật Xây dựng năm 2014 để nhận định việc phá dỡ công trình công viên nước Thanh Hà là “đúng luật nhưng thiếu thận trọng” chỉ cho thấy, Thanh tra TP đang tìm cách bao biện cho UBND quận Hà Đông mà không hề quan tâm đến đối tượng, phạm vi áp dụng của quy định này.

Cụ thể, điều 118 Luật Xây dựng quy định về các loại công trình phải phá dỡ, trong đó có công trình xây dựng không phép, sai phép. Tại khoản 2 điều luật này nêu rõ, điều kiện để phá dỡ công trình xây dựng là phải có “quyết định pháp dỡ” của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về phá dỡ công trình xây dựng.

Đối với công viên nước Thanh Hà, rõ ràng UBND quận Hà Đông và UBND TP Hà Nội không có “quyết định phá dỡ”. Quyết định cưỡng chế của UBND quận Hà Đông là quyết định thực hiện biện pháp xử lý vi phạm hành chính, không phải là “quyết định phá dỡ”.

Nói cách khác, nếu vận dụng quy định này của Luật Xây dựng thì UBND quận Hà Đông còn vi phạm nặng hơn khi phá dỡ công trình xây dựng mà không có quyết định phá dỡ theo đúng điều 118 Luật Xây dựng.

Theo Luật sư Trần Văn Toàn, ĐLS TP Hà Nội thì việc vận dụng pháp luật như cách Thanh tra TP Hà Nội đã làm là lấy “râu ông nọ, cắm cằm bà kia”, không đúng nguyên tắc áp dụng pháp luật. Việc viện dẫn luật theo cách này nhằm mục đích làm giảm nhẹ trách nhiệm cho cán bộ quận Hà Đông khi lái việc “tháo dỡ là bắt buộc” (theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính) sang “tháo dỡ là tùy chọn”. Song, cách áp dụng pháp luật này là không đúng, thậm chí phản tác dụng.

“Đối với việc xử lý vi phạm hành chính thì luật áp dụng trực tiếp là Luật Xử lý vi phạm hành chính. UBND quận Hà Đông đã áp dụng Luật xử lý vi phạm hành chính trong các quyết định liên quan đến cưỡng chế tháo dỡ công viên nước Thanh Hà. Việc Thanh tra TP viện dẫn Luật Xây dựng không chỉ sai về đối tượng áp dụng mà còn dẫn đến hệ quả là làm cho UBND quận vướng vào cái sai khác, nghiêm trọng hơn khi phá dỡ công trình xây dựng mà không có quyết định hợp pháp”, Luật sư Trần Văn Toàn nhấn mạnh

Theo Nhóm PV baophapluat.vn

Tin liên quan

Call Now

Liên hệ