09/02/2020

09/02/2020

Tháo dỡ công viên nước Thanh Hà: ‘Cần truy trách nhiệm

Việc để một công trình 200 tỷ đồng xây không phép suốt một thời gian dài, sau đó mới cưỡng chế tháo dỡ, trách nhiệm chính thuộc về UBND phường Phú Lương và quận Hà Đông.

Công viên nước Thanh Hà do Công ty cổ phẩn phát triển địa ốc Cienco5 làm chủ đầu tư. Dự án xây dựng trên lô đất A2.2 CCĐT01 thuộc khu đô thị Thanh Hà – Cienco5, phường Phú Lương, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội.

Dự án gồm: bể bơi bốn mùa và nhà thi đấu đa năng, là khu vui chơi được đầu tư khá đồng bộ, hiện đại. Phía bên ngoài công viên được thiết kế, xây dựng với kiến trúc như tường thành của tòa lâu đài. Công viên nước có 9 hạng mục trò chơi mạo hiểm, tốc độ.

Dự án đi vào hoạt động từ tháng 6/2019. Đến tháng 11/2019, UBND quận Hà Đông có quyết định 4725/QĐ-UBND, yêu cầu chủ đầu tư phải tháo dỡ 19 hạng mục xây dựng của công viên nước Thanh Hà trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định do công trình xây dựng không phép.

Công viên nước Thanh Hà bị phá dỡ tan tành khiến dư luận xôn xao nhiều ý kiến trái chiều.

Việc cưỡng chế công trình xây dựng sai phạm của UBND quận Hà Đông là cần thiết. Tuy nhiên, việc để một công trình không phép xây dựng công khai suốt thời gian dài khiến dư luận đặt câu hỏi, chính quyền ở đâu trong quá trình công trình này được xây dựng, lắp đặt thiết bị và đi vào hoạt động?

Theo GS. Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, để một công trình xây không phép diễn ra suốt thời gian dài trách nhiệm này thuộc về UBND phường và UBND quận, mà cụ thể trong sự việc này là UBND phường Phú Lương và UBND quận Hà Đông.

“Cơ quan Nhà nước với vai trò giám sát đã không hoàn thành được vai trò của mình, để sai phạm ngang nhiên tồn tại cho đến khi sự việc trở nên phức tạp như hiện nay. Nếu sai phạm được phát hiện và xử lý từ khi mới bắt đầu thì chắc chắn sẽ không có hậu quả như vậy”, ông Võ nhấn mạnh.

Cũng theo ông Võ, đang có lỗ hổng trong quản lý trật tự xây dựng đô thị khi một công viên nước hoành tráng xây dựng không phép giữa Thủ đô, đi vào hoạt động sau 6 tháng mới bị cưỡng chế.

“Tôi cho rằng việc vi phạm pháp luật của chủ đầu tư nếu nói cơ quan quản lý không biết thì không phải. Vì vậy, cần phải làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan đến sai phạm của dự án này”, ông Võ nhấn manh.

Cũng theo ông Võ, việc quyết liệt cưỡng chế để khắc phục hậu quả là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, không vì thế mà bỏ quên trách nhiệm để xảy ra sai phạm của chính quyền.

Ông Võ cho biết, ở nước ngoài, các công trình sai phạm sẽ được phát hiện ngay từ khi mới xuất hiện, chứ không bao giờ có chuyện sai phạm tồn tại suốt thời gian dài, đến khi đi vào hoạt động vẫn chưa bị xử lý.

Chính vì thế, việc xử lý sẽ đơn giản hơn rất nhiều khi phải đập phá cả một công trình 200 tỷ đồng, rất lãng phí tiền của.

Liên quan đến thực trạng các dự án xây dựng không phép tồn tại trong suốt thời gian dài nói chung, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, trước hết phải khẳng định, các dự án xây dựng không phép là hoạt động vi phạm pháp luật, cần bị xử lý nghiêm khắc, dứt điểm.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đặt ra những câu hỏi về quy trình, trách nhiệm trong công tác điều hành, giám sát, quản lý của các cấp, các ngành, đặc biệt là công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của chính quyền địa phương nơi có dự án sai phép đang thi công.

Theo ông Đính, cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp trên địa bàn lẽ ra phải sớm nắm bắt, kiểm tra, xử lý ngay khi dự án mới hình thành, chứ không phải đợi đến khi “sự đã rồi” mới biết, mới kiểm tra và xử lý như vậy được. Điều này gây thiệt hại không nhỏ do doanh nghiệp và lãng phí tiền của.

Tin liên quan

Call Now

Liên hệ